Varanasi – Thánh địa của phật giáo và các thánh thần

Thành phố Varanasi là một bảo tàng sống về văn hóa và tôn giáo đặc sắc nhất của Ấn Độ. Nơi đây đưa ta quay lại thời gian xa xưa, để có thể đắm mình vào không gian thần thoại, và để chạm vào nơi linh thiêng của ngàn năm trước.

Đến Ấn Độ mà chưa đến Taj Mahal xem như chưa du lịch đến Ấn Độ, chưa đến sông Hằng bên thành phố Varanasi là chưa hiểu gì về Ấn Độ.

Taj Mahal

Chuyến tàu xe lửa đi từ Agra đến Varanasi khá dễ dàng, chỉ trễ hơn 3 giờ. Ở Ấn Độ, 3 giờ trễ tàu có thể xem là đúng giờ. Bản đồ đường sắt ở Ấn Độ sẽ làm bạn bị hoa mắt bởi các tuyến đường dọc ngang chằng chịt. Đi tàu lửa ở một đất nước hơn một tỷ dân, đất đai rộng lớn trải dài, đúng là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.

Khách sạn ở Varanasi tập trung chủ yếu gần các bến sông, gọi là “Ghat”. Du khách sẽ vừa xem bản đồ vừa len qua những dòng người đông đúc trong những con hẻm chật chội, đan xen thêm những hương thơm đặc trưng, cùng với những tiếng ồn lẫn màu sắc sặc sỡ. Cả không gian bao trùm mùi vị đặc trưng của nhang khói, gia vị, sữa chua và phân bò... Dọc các con hẻm nhỏ dẫn ra “Ghat” người ta bày bán đủ thứ bột màu, hoa quả, nhang đèn phục vụ cho việc cúng tế. Thỉnh thoảng phải nép người vừa đủ để nhường đường cho đám khiêng xác ra bờ sông, vừa đi vừa đọc kinh trầm hùng. Vừa đặt chân đến đây, lần đầu tiên cảm nhận về vùng đất quá khác biệt này, du khách sẽ cảm thấy rùng mình.

Varanasi “Ghat Manikarnika"

Thành phố miền Bắc Ấn Varanasi, tên cổ xưa là Benares, cách Agra khoảng hơn 500 km. Nơi đây được đặt tên là thành phố cổ bên dòng sông Hằng huyền thoại. Varanasi còn là một trong ba thành phố cổ nhất thế giới với lịch sử hơn 5000 năm tuổi. Văn hào Mỹ Mark Twain đã ví von “Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”. Mọi thứ từ hàng ngàn năm trước như vẫn còn nguyên vẹn nơi đây.

Du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác vừa ăn tối trên sân thượng khách sạn, vừa ngắm cảnh đẹp huyền ảo của sông Hằng trong đêm khuya đầy lãng mạn, cạnh bên là các cột khói thiêu xác, mùi khói khét nghẹt bốc lên từ phía bờ sông. Ở đây người ta thiêu xác cả ngày lẫn đêm.

Thần Shiva

Sông Hằng vốn chảy từ Bắc xuống Nam, riêng tại Varanasi (sông Hằng ngược từ Nam lên Bắc, về nơi đầu nguồn Himalaya). Người Hindu tin rằng tại ở Varanasi, sông Hằng chảy lên thiên đường. Đối với người dân Ấn mà đa số là những người theo đạo Hindu thì Varanasi là thánh địa linh thiêng bậc nhất - thành phố của thần Shiva. Họ khao khát đến được đây tắm mình trong dòng nước của sông Hằng, ít nhất một lần trong đời. Họ tâm nguyện được cái chết tại thành phố này, tro cốt phải được rải xuống sông với niềm tin mãnh liệt rằng nơi đây là cửa ngỏ để trở về với đại ngã bao la. Không ai giải thích vì sao Varanasi trở thành thánh địa thiêng liêng của thần Shiva, nguồn gốc đó hẳn nằm sâu trong những câu kinh Vệ-đà thần thoại. Varanasi còn được xem là “kinh đô ánh sáng”, không như Paris của châu Âu, ánh sáng ở đây là ánh mặt trời. Và mặt trời của Varanasi mọc bên bờ sông Hằng là một cảnh tượng thần thánh.

Thuê thuyền du ngoạn quanh Thành phố varanasi

Nếu muốn xem mặt trời mọc trên sông Hằng, du khách phải thức dậy sớm để đi ra bờ sông khi trời còn chưa sáng. Ở đằng đông, bên kia bờ sông, mặt trời ửng lên vài tia sáng hiện lên rồi tắt dần trong màn mây, đầy tiếc nuối. Ánh dương không ngời sáng vẫn đủ nhuộm đỏ hừng hực khắp các bến sông, phản chiếu lên mặt nước, soi rọi như thần thánh đang làm phép biến hóa từng bậc thang, từng góc nhỏ của những ngôi đền cổ bằng đá.

Hàng ngàn người đang tắm mình dưới dòng sông, họ lặn hụp, vái lạy và cầu nguyện. Trên bờ, cũng hàng ngàn người náo nhiệt cầu nguyện, tụng niệm, giặt giũ. Tất cả đều hướng về ánh mặt trời, thành kính và thần bí. Tôi đưa tay vọc xuống dòng nước, khắp mặt sông phủ kín sắc vàng, cam của hoa và đèn cúng vừa được thả xuống. Ngồi trên thuyền mà ngỡ như mình vừa quay lại thời gian xa xưa và như có cảm giác đang đắm mình vào không gian thần thoại của ngàn năm trước.

Hơn 80 “Ghat” trải dài gần mười cây số bên bờ sông, Dasaswamedh“Ghat” thiêng liêng nhất của thần Brahma, dành cho người sống. “Ghat” thiêu xác Manikarnika“Ghat” có “quyền uy” nhất của thần Vishnu, dành cho người chết. Trên các bãi thiêu xác, giàn hỏa như không bao giờ tắt. Mùi gỗ cháy, mùi da thịt lẫn trong nước thơm và tiếng tụng niệm bay trong không gian. Xác thiêu xong sẽ được rải xuống sông. Cách đó không xa, đàn bò vẫn nhởn nhơ tắm và hàng ngàn người vẫn thản nhiên đắm mình hành trì.

Sanarth nơi có vườn Lộc Uyển

Sanarth nơi có vườn Lộc Uyển, cách trung tâm thành phố Varanasi khoảng 13 km. Chiếc riskshaw chạy ào ào trên con đường thắng tắp, bụi bặm và dằn xóc. Sanarth cũng giống như bất cứ vùng quê nào, với những mái nhà vách đất thấp lè tè, bò dê nhởn nhơ.

Lộc Uyển là một trong bốn thánh địa lớn của Phật giáo, xưa kia theo mô tả trong kinh sách là một khu vườn rộng lớn, xanh mát, có rất nhiều con nai trú ngụ nên được gọi là Vườn Nai (Lộc Uyển). Sau khi giác ngộ Đạo-tỉnh-thức, Đức Phật đã một mình băng qua rừng hơn nửa tháng, từ gốc bồ đề đến đây giảng bài giảng đầu tiên và thành lập tăng đoàn đầu tiên.

Lộc Uyển là khu di tích được người Ấn chăm sóc, bảo quản khá tốt, sạch sẽ, tươm tất dù chỉ là phế tích với những nền gạch đỏ sót lại. Nguyên vẹn nhất là ngọn tháp Dhamekh cao 33m ở trung tâm. Tháp Dhamekh cổ được vị vua sùng kính Phật giáo. Ashoka đại đế, cho xây vào giữa thế kỷ thứ 3 trước công nguyên nhằm đánh dấu và kỷ niệm thánh địa. Theo thời gian, cùng với cuộc thăng trầm của Phật giáo trên đất Ấn, ngọn tháp và thánh tích Lộc Uyển bị lãng quên, chôn vùi dưới mấy tầng cát bụi và lịch sử, cho đến khi nhà khảo cổ người Anh Cunningham có công tìm ra và khôi phục lại.

Tháp Dhamekh

Giờ đây, thánh địa đã hồi sinh, Phật tử khắp nơi trên thế giới hành hương tìm về nơi đây. Lộc Uyển đón chào khách phương xa bằng vẻ yên bình trầm mặc, trái ngược hẳn không khí náo nhiệt ở trung tâm Varanasi. Quanh tháp Dhamekh, vài vị tu sĩ đang đọc kinh, có vị đang ngồi thiền, lần tràng hạt. Một vị sư người Ấn Độ đang kính cẩn thắp hương và dâng hoa quanh tháp. Lát sau, vị ấy bước đến gần, cười hiền hậu và đưa cho tôi nén hương. Thắp hương nơi thánh địa là một ân huệ bất ngờ, một trải nghiệm tâm linh thú vị, khó tả.

Varanasi là nơi thánh địa của hai tôn giáo lớn (Hindu giáo và Phật giáo), nơi có dòng sông Hằng chảy qua. Sông Hằng trong tiếng Hindi gọi là Gange, nghĩa là Người Mẹ Vĩ Đại. Trong tâm thức người dân Ấn, bất kể tôn giáo nào, bất kể đang ở phương trời nào, sông Hằng luôn là dòng sông linh thiêng nhất, luôn được nhiều người hướng về. Vì đó là đất mẹ, quê hương và là phần tâm linh không thể thiếu. Sông Hằng cũng như một số con sông lớn khác ở Châu Á bắt nguồn từ dãy Himalaya. Theo Dòng Mekong, mà hạ nguồn là sông Cửu Long của Việt Nam, cũng bắt nguồn từ đó.

Hằng năm, Varanasi đón hàng triệu lượt khách du lịch Ấn Độ tìm đến. Họ đến một bảo tàng sống về văn hóa, về truyền thống đặc sắc của Ấn Độ. Có thể nói, các tập tục, các truyền thống, nghi lễ văn hóa của Ấn Độ và Hindu giáo được giữ gìn gần như nguyên vẹn một cách đáng kinh ngạc. Tại Varanasi, cũng các cách thức đó, các nghi lễ đó, mặt trời đó, người ta đã hành trì, cầu nguyện và sống như thế suốt hàng ngàn năm qua.

Migola Travel Sưu Tầm & Tổng Hợp

Mời du khách ghé qua thành phố linh thiêng và bí ẩn Varanasi !

Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: Tour Hành Hương Ấn Độ, Theo Dấu Chân Phật – Tứ Động Tâm

Hotline tư vấn: 0366 55 66 77

Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

Vẻ đẹp đầy bí ẩn và “hiếm có khó tìm” của Thành phố Leh Ladakh

Một ngày ở Srinagar – Chiếc vương miện của vùng Jammu & Kashmir

Kushinagar – Thánh tích linh thiêng của “Tứ Động Tâm”

Núi Linh Thứu – Thánh địa của Phật Giáo.

Huyền thoại sông Hằng và cuộc sống của người dân nơi đây

Hành hương về đất Phật – Chiêm bái Tứ Động Tâm