Huyền thoại sông Hằng và cuộc sống của người dân nơi đây

Trong truyền thống văn hóa tâm linh của Ấn Độ, bên cạnh dãy Himalaya - một biểu tượng cho sự vĩ đại và oai hùng của tinh thần dân tộc thì sông Hằng (Gangā) được xem là hình ảnh thiêng liêng, tiềm ẩn một sức mạnh nội tại, một khả năng siêu việt và là một suối nguồn cảm xúc vô tận mà con người thường mơ ước đến. Đối với Hindu giáo, dòng sông này là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ thần có khả năng tịnh hóa mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh Vệ-đà hằng tôn vinh và ca ngợi.

Dãy Himalaya và sông Hằng là hai hình ảnh linh thiêng nhất đối với người dân Ấn Độ
Dãy Himalaya và sông Hằng là hai hình ảnh linh thiêng nhất đối với người dân Ấn Độ

Trong tác phẩm Khám phá Ấn Độ, cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1889-1964) đã bày tỏ niềm kính ngưỡng của mình đối với sông Hằng như sau: “Sông Hằng, hơn hẳn các dòng sông khác tại Ấn Độ, chính là nơi lưu giữ trái tim của Ấn Độ, đã thu hút hàng triệu người tới bờ sông của mình kể từ thời bình minh của lịch sử. Câu chuyện về sông Hằng, từ nguồn ra biển, từ xưa tới nay, chính là câu chuyện của văn minh và văn hóa Ấn Độ, của sự hưng thịnh và suy vong của các đế chế, của những thành phố vĩ đại và kiêu hãnh, của những cuộc phiêu lưu của con người và sự tầm cầu về tâm thức vốn từ lâu đã thôi thúc các triết gia Ấn Độ, của sự phong phú và đầy đủ trong cuộc sống hay sự khước từ và xả ly xuất gia, của những thăng trầm, của sự hưng thịnh và hoại diệt, của sống và chết”.

Huyền thoại về nguồn gốc sông Hằng

Bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya, băng qua một vùng đồng bằng dài 2510 Km và đổ ra vịnh Bengal, sông Hằng được xem là dòng sông linh thiêng nhất tại Ấn Độ. Theo các bộ sử thi Mahābhārata và Rāmāyaṇa giống dân Aryan thường cư trú tại đồng bằng sông Hằng vì dòng sông này là nguồn của bảy con sông thiêng tại Ấn Độ.

Sông Hằng bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya
Sông Hằng bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya

Các huyền thoại khác nhau về nguồn gốc của dòng sông này được tìm thấy trong các sử thi, các bộ huyền sử cùng các kệ tụng bằng Phạn ngữ. Một trong những huyền thoại phổ biến nhất kể lại như sau: “Tương truyền vua Sagara có hai người vợ rất đáng yêu. Vì được ân sủng của thần Śiva, người vợ thứ nhất sinh được sáu mươi ngàn người con trai. Người vợ thứ hai chỉ sinh được một đứa con duy nhất, đó là anh chàng Asamanjas. Trong khi sáu mươi ngàn chàng trai kia hăng say học hỏi và luyện tập để trở thành những chiến binh giỏi, thì Asamanjas lại gieo rắc nhiều đau khổ cho dân chúng trong nước, đến nổi vua cha buộc phải đuổi người con kỳ quái này ra khỏi vương quốc mình. Một hôm vua Sagara tổ chức một buổi lễ bắt ngựa. Trong buổi lễ này, một con ngựa hoang được thả trên cánh đồng và sáu mươi ngàn vương tử kia sẽ theo đuổi bắt lại. Người nào đuổi bắt được ngựa ấy được xem là thắng cuộc, và tất cả những người còn lại phải kính phục người ấy. Trong lúc các vương tử đang mãi mê đuổi theo con ngựa, bỗng nhiên con ngựa ấy biến mất. Sau một hồi tranh cải căng thẳng, các vương tử ấy cùng đào đất, moi hang, lặn xuống biển sâu, đến các vực thẳm…để cố tìm ra con ngựa ấy. Cuối cùng thì họ phát hiện ra con ngựa kia đang ở trong một hang sâu, gần nơi thánh Kapila đang hành thiền. Các vương tử hợp sức nhau bắt đươc con ngựa ấy. Song vì cố bắt cho được ngựa nên họ đã làm kinh động đến thánh Kapila. Kapila vô cùng tức giận và ông đã thiêu sống các vương tử kia bằng ngọn lửa phát ra từ ánh mắt giận dữ của mình.

Các vương tử bị thiêu sống bởi ngọn lửa phát ra từ đôi mắt giận dữ của vị thần
Các vương tử bị thiêu sống bởi ngọn lửa phát ra từ đôi mắt giận dữ của vị thần

Khi hay tin con mình bị hại, vua Sagara vô cùng đau đớn. Ông bèn sai người cháu của mình là Ansuman đến gặp thánh Kapila hầu mong cứu được linh hồn các vương tử. Kapila rất mến mộ phong cách và cử chỉ của Ansuman và ông cho biết rằng chỉ có nước sông Hằng trên thiên giới mới giúp cho linh hồn các vương tử được siêu thoát và sanh lên cõi trời. Dù trọn đời cầu nguyện và thiết lễ để thỉnh nữ thần sông Hằng từ thiên giới mang nước sông xuống trần gian, vua Sagara, Ansuman, rồi đến Dilipa (con trai của Sagara) cũng không mời được vị nữ thần này. Mãi đến thời Bhagiratha, con trai của Dilipa, thì vị nữ thần kia mới chấp thuận lời cầu thỉnh này sau khi Bhagiratha đã hành lễ và tu tập rất nhiệt thành. Tuy nhiên, chỉ có thần Śiva mới có thể sinh ra nữ thần sông Hằng tại cõi trần này và nhờ thế nữ thần này mới có thể xuống được trần gian. Vì vậy Bhagiratha lại phải hành thiền miên mật và thiết lễ trang trọng suốt một thời gian dài nữa để cầu thỉnh thần Śiva và sau đó thì nguyện ước của Bhagiratha được thành. Cuối cùng, từ thiên giới, sông Hằng chảy xuống tóc và chân của thần Śiva trước khi chảy vào mặt đất. Theo tín đồ Ấn giáo, nơi mà sông Hằng chảy từ thiên giới xuống chân của thần Śiva chính là khu vực Gangotri ngày nay. Vừa lúc sông Hằng chảy xuống mặt đất, Bhagiratha liền lên ngựa quay về nơi các vương tử bị thiêu sống. Dòng sông Hằng chảy theo chân của Bhagiratha đến nơi ấy và cuối cùng các vị vương tử ấy được siêu thoát. Nơi mà tro cốt cuả các vương tử được hoà trong sông Hằng chính là đảo Sagar, từ nơi này sông Hằng bắt đầu đổ ra đại dương”.

Sông Hằng được nhắc đến nhiều lần trong các huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa của Ấn Độ trong mối liên hệ với nhiều vị thần khác như Śiva và Viṣṇu. Vào thời trung cổ, hai nữ thần sông Hằng và sông Yamunā được khắc vào hai bên cổng vào của các ngôi đền Ấn giáo. Nữ thần sông Hằng thường được khắc hoạ trong hình dáng một người nữ cưỡi cá sấu, một biểu tượng cho sự nguy hiểm của chết chóc và sự sung túc của cuộc sống.

Thánh nữ Sông Hằng Ganga
Thánh nữ Sông Hằng Ganga

Cuộc sống của người dân Ấn Độ trên sông Hằng

Mỗi khi bình minh lên, tất cả những sinh hoạt tôn giáo nơi đây lại bừng dậy, sôi động và nhộn nhịp. Các đạo sĩ Hindu ra bến sông rung chuông và nâng cao những cây đèn lửa hướng về phía mặt trời đang mọc, miệng lâm râm tụng kinh trong khi dân chúng đổ xuống sông tắm, kẻ đốt nến, người dâng hoa, lại có những người ngồi theo tư thế Yoga dọc theo những hàng tâng cấp, từng đàn chim bay lượn trên bầu trời mờ ảo, khách du lịch Ấn Độ có thể đáp thuyền dạo sông, thả đèn trên dòng nước và ngắm bình minh đang lên bên kia bờ sông.

Bình minh trên sông Hằng
Bình minh trên sông Hằng
Mỗi buổi sáng, hàng vạn người dân kéo ra sông Hằng để tắm gội
Mỗi buổi sáng, hàng vạn người dân kéo ra sông Hằng để tắm gội

binh-minh-song-hang-2

Chính bởi lòng kính cẩn với sông Hằng, vào mỗi dịp hành hương, các tín đồ đạo Hindu lại đổ về một trong những địa điểm nổi tiếng nhất là thành phố Manikarnika ở Varanasi, mảnh đất linh thiêng bên sông để thực hiện nghi lễ hỏa táng cho người chết. Xác chết sẽ được bọc quấn cẩn thận trong những lớp vải đỏ hoặc trắng, đưa lên giàn hỏa táng bằng củi. Người thân vây quanh cất vang lời cầu nguyện cho linh hồn sớm siêu thoát. Họ không khóc lóc, đau xót, vật vã bởi theo quan niệm của người Ấn Độ, thi thể sau khi thiêu thành tro cốt sẽ được rải khắp mặt sông, khiến linh hồn được thanh lọc, được rũ bỏ những tội lỗi xưa, thoát khỏi bể khổ tái sinh luân hồi và sớm siêu thoát tới cõi vĩnh hằng.

Cuộc sống bên bờ sông Hằng cứ nhẹ nhàng trôi theo thời gian và những phong tục tập quán vẫn luôn được người dân sinh sống hai bên bờ gìn giữ. Con sông vẫn hiền hòa, êm đềm như bà mẹ bao dung với những đứa con của mình. Có lẽ, không chỉ những người dân bản địa mới có thể cảm nhận được dòng sông Hằng linh thiêng, vĩ đại mà ngay cả những vị khách tới từ đất nước cách xa nơi đây hàng ngàn cây số cũng cảm nhận được điều này, bất kì ai tới trước dòng sông cũng đều thành kính cúi đầu trước sự vĩ đại, thiêng liêng của con sông huyền thoại. Và chắc chắn rằng, những cảm xúc về dòng sông Hằng sẽ chẳng thể phai trong lòng những người dù chỉ một lần được ghé thăm.

Migola Travel Sưu Tầm và Tổng Hợp

Du lịch Ấn Độ, những tour hay bạn nên đi

Hotline tư vấn: 0366.55.66.77

Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

Văn minh Ấn Độ qua những thành tựu nổi bậc

[Infographic] Cẩm Nang Du Lịch Ấn Độ

Vẻ đẹp đầy bí ẩn và “hiếm có khó tìm” của Thành phố Leh Ladakh

Một ngày ở Srinagar – Chiếc vương miện của vùng Jammu & Kashmir

Kushinagar – Thánh tích linh thiêng của “Tứ Động Tâm”

Núi Linh Thứu – Thánh địa của Phật Giáo.