Tây Tạng – Miền đất của chư thiên

Nóc nhà của thế giới, đỉnh Everest cao tới 8.850m so với mực nước biển. Nơi ấy cao vời, hoang vắng, giá lạnh và nhẫn tâm từ chối sự hiện diện của phần đông cư dân trên địa cầu này. Tôi chỉ biết ngửa cổ nhìn Everest với lời hẹn kiếp sau hoặc kiếp sau sau nữa con sẽ có mặt trên đỉnh để viếng thăm “ngài".

tay-tang-1

Kiếp này cứ hẵng tạm le ve chạy quanh khắp các quốc gia có phần lãnh thổ liên quan đến dãy Himalaya và đỉnh Everest đã. Đi khắp Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, rồi đi dọc 6 quốc gia có dòng Mê-kong sinh ra từ các đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu của Tây Tạng, tôi mới chợt nhận ra: cái ám ảnh bởi thiên nhiên kỳ diệu và lòng mộ đạo vô biên của người Tạng chắc sẽ đeo đẳng, trở đi trở lại trong tôi đến suốt đời. Người ta gọi Tây Tạng là “miền đất chư thiên”, “xứ sở thánh thần”, “thánh mẫu của vũ trụ”, “nóc nhà thế giới”, “cực thứ ba của địa cầu”, “thành phố ánh sáng”. Tây Tạng khiến bạn chết đi sống lại bởi hội chứng độ cao, Tây Tạng cũng làm bạn sửng sốt, kinh ngạc, nghiêng mình kính phục trước thế giới chuyện của thiên nhiên và tôn giáo.

Gặn sức mình mà đi giữa sa mạc mênh mông khắc nghiệt

Dù bạn muốn đi “bụi” cỡ nào, thì sang Tây Tạng bạn vẫn phải làm việc với các công ty du lịch để mua tour. Đó là cách quản lý du khách rất chặt chẽ. Ngoài visa đi Trung Quốc, bạn còn phải xin cả giấy phép đặc biệt để vào Khu Tự trị Tây Tạng, mà (vì nhiều lý do!) không phải thời điểm nào “nóc nhà thế giới” cũng mở cửa đón du khách. Tôi bay từ Sài Gòn, sang Thẩm Quyến, ngược một lần cất cánh nữa tới Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc); mãi rồi mới chuyển cái máy bay nữa, phi chĩa chếch mãi lên nóc nhà thế giới. Bay loằng ngoằng, vòng vèo và… tốn kém.

Tuy nhiên, khi thiếu nữ Tạng lí lơi múa hát, rồi quàng cho mỗi du khách một chiếc khăn dài, trắng muốt tinh khôi (một biểu tượng chúc phúc của người Tạng), thì tôi rưng rưng xúc động. Có cảm giác, họ là tiên nữ đang bay lượn trong phủ của Thánh Mẫu vũ trụ. Bao rề rà, đắt đỏ của con “đường trời thiên lý” đều tan biến. Chợt mỉm cười. Người ta thu tiền của mình, mình chỉ cần bay trên bầu trời tuyệt sắc này rồi thậm chí máy bay “cài số lùi” về lại Việt Nam cũng vẫn đã xứng đồng tiền bát gạo. Bởi sơn nữ Tạng đẹp quá, bởi tuyết dưới chân Himalaya kỳ lạ quá. Leo lên tàu bay, ngồi vài giờ ngắm các đỉnh tuyết sơn triệu triệu năm câm lặng giữa hoang vu, giữa những dòng sông băng bất tận hàng nghìn cây số, như thế chưa đủ sung sướng sao? Bên cạnh tôi, những người đàn bà Tạng âm u rền rĩ đọc kinh, tay lần tràng hạt giữa đỉnh trời bát ngát…

tay-tang-2

Ở Nepal, tôi thấy người ta còn thiết kế cả một chuyến bay chiêm ngưỡng nóc nhà thế giới Everest. Con chim sắt với cửa kính trong vắt tuồn đi trong sương mù, bay đến lúc mây hửng rồi lại lâm ly cảm khái từ trên đỉnh trời nhìn xuống đỉnh núi cao nhất quả đất đang lộng lẫy giữa nắng vàng in vào tuyết trắng. Bạn sẽ được bay qua thiên nhiên lạ lùng, màu nhiệm, như một cõi của thánh thần. Điều thú vị hơn, là bạn được bay bằng chuyên cơ của Hãng hàng không Đức Phật (Air Buddha), đi trên đại lộ Niết Bàn. Ngẫm vậy, tôi vỗ vai người bạn đồng hành: mình mua cái vé máy bay đi Tây Tạng, thế là một viên đạn trúng hai đích, vừa được ngắm Himalaya và Everest từ trên cao, vừa được chìm mình trong thế giới của 16 nghìn đền đài tu viện, của những hồ xanh như thiên đường và lòng mộ đạo vô biên của những cư dân dũng mãnh ở nơi cao nhất hành tinh.

Khi tiếng hát buông lơi bay lợn cùng khăn trắng chúc phúc và bốn bề mây trinh tuyết trắng vừa dứt, thì sân bay “chuồng gà” của Tây Tạng đã hiện ra. Sông Áp lục (Yarlung Tsangpo) xòe ra các đường nước xanh lơ, chúng ỏn sót chút tốt tươi giữa rợn ngợp sa mạc cát mênh mông xám ngoét. Có cảm giác, chỉ vài chớp mắt nữa thôi, cát và đá của sa mạc bất tận kia sẽ hút hết sạch nước của con sông đang chảy như mấy sợi gân xanh trên cơ thể nó.

tay-tang-chuong

Sân bay Lhasa ở thủ phủ Tây Tạng được ví như cái chuồng gà vuông vắn, các nan bê tông nhỏ xíu giữa thung lũng trơ đá xám, xa xa là tuyết trắng kéo mãi về chân trời. Những ngày ở Tây Tạng, tôi luôn có cảm giác sự sống của mình cạn dần trông thấy, bởi hội chứng độ cao do không khí loãng. Đau đầu, chóng mặt, người bồng bềnh không biết ngày hay đêm, khó ngủ nhưng hễ chợp mắt là mộng mị miên man. Đôi lúc cố gặn sức mình, thở lấy một hơi trên đỉnh đèo Campala ở vào hàng cao nhất thế giới. Thở được rồi, tay cầm bình oxy mà vẫn không dám tin Đức Phật còn cho mình được thở thêm một lần nữa để… tìm đường về quê mẹ. Trên xe có bao nhiêu người là có bấy nhiêu bình oxy (như phao cứu sinh với người đi tàu thủy!).

Trong khách sạn, phòng nào cũng có đủ bình oxy cho mỗi vị khách. Trên bàn nào cũng có lọ nước hoa hồng, rồi các loại thuốc chống lại hội chứng độ cao. Tuy nhiên, cảm giác “sốc độ cao” đó vẫn không sợ bằng việc ngày nọ ngày kia cứ đi miết trong sa mạc mênh mông. Nhìn ngay rìa cung điện nổi tiếng ở Shigates rồi Lhasa, chỗ nào cũng thấy đá lớn đá bé chồm hổ, đá to như gian nhà như chỉ chờ cơ hội để lăn mình phá hủy tất cả. Đá nào cũng xám gan gà. Trời nắng như các phiến đá sắp nổ tung, song không khí thì chỉ 3-4 độ C. Môi ai nấy nứt nẻ như cái ruộng cày. Đền đài, thành quách ở Tạng, kể cả cung điện Di sản văn hóa thế giới ở nơi cao nhất quả đất Potala (cao 13 tầng với 1000 phòng ốc) ở Lhasa, cũng luôn là những “tổ chim tổ kiến” khảm mình vào vô cùng vô tận núi đá và núi tuyết.

Ngũ Thể Nhập Địa
Ngũ Thể Nhập Địa

Thiên nhiên khắc nghiệt và chế ngự tất cả ở nơi này. Con đường từ Lhasa sang Shigate 300km, toàn đèo dốc khiếp vía, tuyết trắng nhức mắt, sự hiểm nguy lên đến tận cùng. Xe cứ len lỏi, cảnh vật mở ra như trong tiểu thuyết chương hồi Khổng Minh đi bắt Mạnh Hoạch. Cả trăm cây số không thấy bóng dáng của cây cỏ. Núi cao, da núi xám, không một loài thảo mộc hay muông thú gì sinh sống nổi, trừ con trâu yak lông dài nửa mét và những con người kiên cường.

Cảnh đẹp như không có thật ở trên đời

Nhưng bù lại, khi những hồ nước trong xanh hiện ra, thì bất kỳ ai cũng vỡ òa sung sướng. Có lẽ thế giới này rất khó để người ta có thể bắt gặp những cái hồ xanh như Yamdrok- tso mang hình con bọ cạp uốn lượn quanh các đỉnh đèo và hoang mạc nối thủ phủ Lhasa với thành phố cổ kính đông dân thứ nhì Tây Tạng Shigates. Rộng cả nghìn cây số vuông, dài dằng dặc, hồ Yamdrok- tso cứ xanh như miếng ngọc bích khổng lồ. Xanh như không có thật trên đời. Nhiều người đã phải nhao xuống sát mép nước để sờ vào hồ xanh xem nó là nước hay đích thị là ngọc bích của thượng đế đánh rơi.

Không ít nhà khoa học đã chính thức mang nước ở hồ này về xét nghiệm xem nó chứa cái gì mà xanh đến thế (người ta nghi là vì chứa quá nhiều chất ma-giê nên nước của hồ Yamdrok- tso hầu như không sử dụng trong sinh hoạt của người dân được). Có người bảo, hồ trong vắt, hồ xanh là do da trời ven đỉnh núi cao vào hàng nhất nhì ba của cả thế giới mà chúng tôi đang có mặt nó xanh thăm thẳm, xanh ngăn ngắt, xanh lộng lẫy và diệu kỳ quá. Da trời in vào thành miếng ngọc bích Hồ Con Bọ Cạp. Nhưng chả phải, bởi đợi đến lúc trời hết xanh, thì nước vẫn cứ xanh.

Tuyết trắng quanh hồ in sắc tinh khôi của mình xuống, khiến mặt hồ như càng xanh hơn. Đây là hồ nước ngọt ở nơi cao nhất thế giới. Đúng là một biển nước ngọt. Ừ thì giữa khô khát tột độ, khắc nghiệt hãi hùng đó, băng đăng vĩnh cửu tan chảy ra thành hồ nước ngọt mênh mông. Thế còn có thể hình dung được. Song, nghĩ vậy rồi thì không ai lý giải nổi: vì sao, ở Tây Tạng lại có những hồ nước mặn rộng như… biển. Hai cái Hồ của Thánh Thần (tên gọi do người Tạng đặt), hồ ở tít tịt nóc nhà thế giới, mà nước hồ lại mặn rộng lớn đến mức, hễ ai có mặt đều phải xem lại kiến thức hiểu biết lâu nay của mình, rằng: có lẽ, thế giới này không phải chỉ có 5 châu 4 biển đâu nhé.

tay-tang-3

Mà phải cộng thêm hai hồ nước mặt của Tây Tạng nữa thành có 6 biển! (Nam-tso là hồ nước mặn cao nhất thế giới rộng… như biển, tới 1.940km2!; bên cạnh các hồ thiêng khác như Rakastal, Manasarovar, là nơi hành hương tuyệt bích và tối linh thiêng của người Tạng). Cao nguyên Thanh Hải được đặt tên như bây giờ, là bởi vì người ta gặp những cái hồ rộng lớn đến mức ai cũng nghĩ nó là biển xanh (thanh hải). Bây giờ nhiều người bảo, phải bổ sung thêm lý do nữa: là vì xứ Tạng có những cái hồ xanh không chỉ rộng đến mức nhìn mãi không thấy bờ, mà quan trọng hơn, nước các hồ ấy còn mặn như nước biển.

Bài học để sống bình yên và nhân ái

Thiên nhiên Tây Tạng dễ làm người ta choáng ngợp. Bạn vừa ngất xỉu trên đỉnh đèo vào loại cao nhất thế giới, khoảng 5.200m so với mực nước biển; bạn lại chìm đắm trong cảm giác thần tiên ở hồ Con Bọ Cạp, rồi Rakastal, Manasarovar; vừa ngơ ngác trước am thất lạ lùng, nhỏ bé, đắp đất, dựng đá của một vị đạo sỹ tham thiền kính Phật, lại trầm trồ lạc vào cung điện Potala hơn 1.000 phòng với những pho tượng bằng vàng ròng mà mỗi ngày Phật tử lại đem vàng lá ra rát mãi cho ông bà tượng “vĩ đại” thêm theo đúng nghĩa đen.

Thiên nhiên kỳ diệu và cực kỳ khắc nghiệt ở Tạng đã khiến con người nơi này dũng mãnh hơn, đắm đuối hơn với niềm tin tôn giáo. Khi mà Hà Nội là 21 giờ khuya, thì trên nóc nhà thế giới Lhasa vẫn chói chang nắng nỏ. Người ta ở sa mạc khô cằn, không có gỗ, không có củi, phải nhặt phân bò yak về làm chất đốt chính. Họ sống cho kiếp phận này của họ, chấp nhận mọi khổ đau để hướng tới niềm kính Phật, để hướng tới một kiếp sau như họ hằng mong nước. Họ sống kiếp này, đau đớn thế nào cũng vẫn cam chịu, để bình yên và nhân ái hướng tới đức Tối Cao, bởi với họ, kiếp này chẳng qua chỉ là sự trả nghiệp cho duyên nợ của kiếp trước. Cái món ấy trước sau cũng vẫn phải vui vẻ mà trả.

barkhor

Lịch sử Tây Tạng từng ghi nhận: có vị Thánh tăng vừa đi vừa quỳ lạy đấng Tối Cao theo kiểu cứ 3 bước lại một lần nằm rạp để toàn bộ 5 vị trí dọc cơ thể mình áp xuống mặt đất, mặt đá, xuống mưa tuyết dọc đường hành hương (nguyên tắc tam bộ nhất bái để ngũ thể nhập địa); ông đã đi suốt mấy chục năm trời, vượt qua 2.500km theo cách đó để đến được đỉnh núi thiêng Ngân Sơn.

Chúng tôi gặp nhiều người Tạng quỳ lạy “khổ hạnh nhất thế giới” như thế, họ cứ miệt mài nằm rạp rồi lại đứng dậy, lại nằm rạp. Quần áo họ rách bươm vì lăn lê bò toài. Ngực họ phủ một tấm da thú sờn cũ thủng lỗ chỗ do quỳ lạy nằm rạp quá nhiều. Tay họ lồng vào đôi guốc gỗ vì nó đã tứa máu do mài vào đất lạnh giữa mưa tuyết, bão cát. Sử sách chép rõ: nhiều người đã chết vì đói rét và giặc cướp trên đường hành hương. Tôi chứng kiến có người suốt ngày đêm đi quanh cung điện Potala. Có người miệt mài quỳ lạy từ sáng đến tối, chỉ nghỉ để ăn uống và vệ sinh tối thiểu.

Khắp nơi, dù phố xá hay đỉnh đèo khe núi, dù trên quốc lộ hay ven các vở nước xa xôi, chỗ nào cũng bạt ngàn cờ phướn và những quả chuông chuyển kinh. Họ quay quả chuông to như cái thùng phi, hoặc bé như một quả ru-bích, quay suốt đêm ngày. Cờ treo hàng vạn hàng triệu lá với đủ xanh đỏ tím vàng sặc sỡ. Cờ phủ kín núi tuyết, chăng ngang thành từng hàng dài, từng búi lớn dọc đường quốc lộ. Họ muốn nhờ gió kiêu hãnh chuyển lời mật chú thiêng liêng của họ lên Trời.

Tôi đã đi nhiều quốc gia có đạo Phật khác (như: Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka chẳng hạn), hễ nơi nào có người Tạng là ở đó rực rỡ cờ phướn. Cờ phướn chăng dọc, xếp ngang, sắc màu rộn rịp tới mức, khi đến “Liên hợp quốc các ngôi chùa” ở Nepal và Ấn Độ, tôi đã phải hỏi các vị sư, rằng: thứ cờ phướn treo ở khắp mọi đỉnh núi, mọi di tích của mọi quốc gia kia là của nhà Phật nói chung giữa “hợp chủng quốc các ngôi chùa” hay là cờ của riêng người Tạng? Câu trả lời là: người Tạng đã treo cờ ở tất cả những nơi mà họ đến lễ với niềm sùng kính kỳ lạ. Cờ như những chiếc “lông ngỗng” theo sau bước đi của mỗi người Tạng xả thân vì Đấng Tối Cao. Các gò đá xếp hình kim tự tháp cao ngất ngưởng (manidoi) cũng được nhân bản, “loang” mãi theo phương cách kể trên.

Một gò xếp đá manidoi linh thiêng, bên trên có cả bộ xương, đầu và sừng thú vật được dựng ven hồ thánh thần xanh ngắt, cách thủ phủ Lhasa gần 200km
Một gò xếp đá manidoi linh thiêng, bên trên có cả bộ xương, đầu và sừng thú vật được dựng ven hồ thánh thần xanh ngắt, cách thủ phủ Lhasa gần 200km

Lòng mộ đạo vô biên của người Tạng, cũng lại là một thứ ám ảnh đeo đẳng mãi với tôi. Thế giới người ta thường bình chọn nhiều địa điểm, thắng tích, đền đài mà bạn nên đến trước khi… chết. Tôi luôn nghĩ, Tây Tạng với tôi là một duyên nghiệp. Và, tôi khuyên: một trong những điểm đáng đến nhất của bạn nếu có ý định du lịch thế giới, xin hãy bắt đầu bằng miền đất chư thiên, thánh mẫu của vũ trụ Tây Tạng. Cả hội chứng độ cao chết đi sống lại, cả vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên và bản sắc con người mộ đạo xứ Tạng, đều là những thứ đã gặp là không thể nào quên.

Đỗ Doãn Hoàng

Bạn quan tâm đến các tour du lịch Tây Tạng của Migola Travel?

Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: 

Tour Tây Tạng Huyền Bí - Thánh Hồ Namtso

Tour Tây Tạng Huyền Bí - Hành Trình Từ Đông Sang Tây

Tour Hành Hương Núi Kailash- Hồ Manasarovar 

Tour Tây Tạng & Everest Hùng Vĩ

Hotline tư vấn: 0366 55 66 77

Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

Trải nghiệm suối nước nóng tại Tây Tạng

Những vị đạo sư nổi tiếng của Tây Tạng.

Kỳ bí loại thảo dược giúp thích nghi độ cao ở Tây Tạng

Đông trùng hạ thảo – Báu vật nơi cao nguyên Tây Tạng

Những suy nghĩ nhầm lẫn về Tây Tạng bạn có thể mắc phải

Khám phá văn hóa tâm linh của Tây Tạng qua những lá cờ Lungta