Mông Cổ Thuyết Minh Truyện – Phần 1

(Trong bài viết có những đoạn sử dụng cách viết trào phúng theo ngôn phong của tác giả)

Năm 2004, Uỷ ban UNESCO đã công nhận một dải đất đầy cỏ xen kẽ những nhánh sông là di sản thế giới về văn hoá DU MỤC. Dải đất ấy có tên là Orkhon nằm ở ngay chính giữa đất nước mà mình sắp kể câu chuyện cho bạn nghe… MÔNG CỔ. Du mục là gì? Mông Cổ ra sao thì ta cùng khám phá nhé.

Nói về xứ này, điều chạm khắc đầu tiên vào ý nghĩ của bất cứ ai khi đặt chân tới đó là…CỎ.

Cỏ này không hút được nhé, chỉ có thể ăn được thôi mà chỉ có thể cho gia súc ăn được, người không ăn được. Gần 1/2 diện tích xứ này là một thảm cỏ xanh kéo dài đến tận chân trời. Để dễ hình dung, chúng ta từng biết đến wallpaper chủ đạo của Windows XP là một thảm cỏ với bầu trời xanh thì Mông Cổ chính xác là như vậy. Hoặc ta có thể tưởng tượng cả bề mặt của một đất nước là hàng vạn sân golf ghép lại. Cỏ tràn bờ đê, cỏ trên mọi miền quê. Ai thích màu xanh lá chắc tới xứ này ngất lịm. 1/3 còn lại chia đều cho cây thông, đất, cát, vài ngọn núi và hoang mạc.

Cỏ thảo nguyên Mông Cổ trải dài đến vô tận. (Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel)

Xứ này nếu cầm thước kẻ ngang từ bên này qua bên kia bản đồ thì chạm Châu Âu nên có khí hậu ôn đới. Có điều, xứ này không có biển và là một vùng đất cao (cao từ 1000m tới 2000m so với mực nước biển) nên thời tiết khắc nghiệt vô vàn. Mùa hè nóng nhất cũng chỉ tầm 26 tới 27 độ C, còn mùa đông lạnh nhất cũng gần giống thế mà ở hướng ngược lại: âm 26, âm 27 độ C (chú thích là ngăn đá tủ lạnh nhà bạn chỉ lạnh nhất là -5 độ C). Xứ này xa biển nên mưa cũng vì thế mà thưa, mưa ít tạo ra một bầu trời trong vắt, không mây nên Mông Cổ còn có 1 cái tên khác là mảnh đất của bầu trời xanh. Du khách phương tây gọi là “The land of Blue Sky”.

Đất rộng người thưa

Tuy khắc nghiệt nhưng vùng đất này là quê hương của 70 đến 80 triệu...chú dê, cừu, bò và ngựa cộng lại! Dân tình Mông Cổ chỉ tầm 3 triệu thôi và với diện tích 1,5 triệu km2 (gấp 5 lần Việt Nam nhà mình nha quý dị) thì xứ này là một trong những đất nước có mật độ dân số vào hàng thấp nhất thế giới.

Lẽ dĩ nhiên đất lành thì chim đậu mà cỏ nhiều thì gia súc bu vào phát triển, chơi đùa và nhân giống nên chúng nhiều vô kể ở xứ này. Thế là từ xa xưa thay vì ngồi trồng cái cây, chờ ngày mưa xuống, lấy nước lên đồng thu được cây lúa như anh em nhà nông thì dân Mông Cổ chỉ chăm chăm thu gom một đàn gia súc, ban ngày thả chúng ra chơi đùa với bãi cỏ vô tận còn mình ngắm cỏ, ngắm trời, chiều tối lùa vào. Cuộc sống phụ thuộc hết với mấy chú dê chú cừu này. Có sữa dê, sữa bò sẽ có cheese có fromage, có cừu sẽ có barbecue giữa bãi cỏ hoang vu. Da bò, da cừu trở thành những bộ cánh xịn sò không thua Vuitton, Hermes, trong lông ngoài da ấm áp giúp ta chịu được cái lạnh thấu xương. Đời người phải có tí cồn, ra vô chén chú chén anh nữa mới đủ combo, dân Mông Cổ cũng thế, biến tấu sữa ngựa cho lên men và làm thành một loại đặc phẩm mang tên Rượu Sữa Ngựa, tên gọi tiếng Mông Cổ là “Airag”. Ngày nay dân Mông Cổ vẫn uống, rất nhiều em bé ra đời là kết quả của một đêm ba mẹ Ariag cùng nhau.

Người dân Mông Cổ luôn lên thần thái oai hùng của người chiến binh thảo nguyên. (Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel)

Dân Mông Cổ sinh sống từ xa xưa là thế. Đàn gia súc ăn hết bãi cỏ này thì ta dắt đi chổ khác có cỏ khác, nay đây mai đó không cố định thì người ta gọi lối sống chăn thả, rong ruổi này là du mục. Có cô bạn gái nọ nghe mình kể chuyện Mông Cổ mới nghe từ này đã hỏi ngu ngơ “du mục là - thẩm du mục nát- hả anh?”. Đúng là phụ nữ, khi trí tưởng tượng của họ bay xa thì khó mà kiểm soát được. Cơ mà ví dụ chúng ta độc thân và sống đời rong ruổi ở xứ này thì có khi cổ nói đúng.. hề hề.

Nếp sống - nếp văn hóa in hằng tận ADN

 

Tham gia hành trình khám phá Mông Cổ, bạn sẽ có dịp thong dong trên lưng ngựa xuyên qua những tán rừng Taiga. (Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel)

Lối sống chăn thả này về lâu về dài cũng hình thành nên những tập tục, văn hoá chuyên biệt cũng như những kỹ năng có một không hai của người Mông Cổ. Đầu tiên phải kể đến là kỹ năng nhìn trời đoán hướng. Vì cuộc đời phải rong ruổi sáng trời tối sao nên người Mông có thế lượn đông, quẹo tây chỉ bằng cách...nhìn lên trời. Cơ chế ADN sinh tồn xứ cỏ xanh này khiến người Mông Cổ có thể mã hoá những chòm sao thành đường đi, bụi cỏ thành lối về. Kỹ năng này có lẻ đã ăn vào máu nên tới bây giờ người Mông Cổ vẫn rất giỏi ở việc này. Mình đi Mông Cổ cũng nhiều rồi nhưng không có xe nào có GPS cả mà tài xế vẫn chở bạn cả trăm ngàn cây số trên cỏ xanh không lạc đường. Ở chung với ngựa từ khi lọt lòng nên dân Mông Cổ có thể làm rất nhiều điều với con ngựa. Có thể cưỡi, phi, nằm, ngồi, ngủ trên lưng ngựa.

Có lẽ bầu không khí, quan cảnh thiên nhiên và những món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng đã giúp người Mông Cổ có những nét tính cách khác biệt. (Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel)

Trẻ em nước mình lên 6 biết cầm Ipad, Iphone chứ dân Mông Cổ đồng lứa có thể cầm cương phi ngựa. Họ thành thục trên con ngựa cứ như thể chỉ cần ngồi lên ngựa, đôi chân, tâm trí của ngựa với người như nhập vào một nhau. Trí tuệ văn nhân kết hợp với mã lực truy phong thì người Mông Cổ có thể nói là vô đối trên lưng ngựa. Để rồi, khi tập hợp một đội quân với hàng vạn, hàng triệu con người và ngựa ấy lúc xưa thì ta có thể hiểu người Mông đời trước đã sở hữu một đội quân kỵ binh thiện chiến tới như thế nào. Và thật sự, đội quân ấy đã từng và mãi mãi là nỗi khiếp sợ của cả thế giới.... 

(Bài viết theo mạch cảm xúc của tác giả về  vùng đất mà anh đã đến và đi trên 10 lần)

Cao Hoài Vĩ

Mông Cổ Thuyết Minh Truyện - Phần 1

Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: Tour Khám Phá Thảo Nguyên Mông Cổ

Hotline tư vấn: 0366.55.66.77

Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

[Infographic] Cẩm Nang Du Lịch Mông Cổ

Mông Cổ

Kinh Nghiệm Du Lịch Mông Cổ – Migola Travel

cuoi-ngua-ben-terkhiin

Thả hồn bên hồ Terkhiin – viên ngọc lạc giữa lòng Mông Cổ

ve-dep-tinh-lang-dang-kinh-ngac-tren-thao-nguyen-mong-co-6

Mông Cổ và Nội Mông: Ngôi vương thật sự của vùng thảo nguyên chỉ có một!

v2

Khám phá trang phục truyền thống của vùng thảo nguyên Mông Cổ

hoi-ma-cung

Những môn thể thao nào giúp Mông Cổ thống trị vùng thảo nguyên?