Mông Cổ Thuyết Minh Truyện (Phần 2)

Năm 1241, ở địa hạt vùng Đông Âu, vó ngựa của đoàn quân bách chiến vạn thắng đã vượt qua Hungary, Áo xuyên qua dãy nũi Ural để lần lượt tiến vào La Mã. Vị tướng quân của họ ngồi trầm tư nhìn về vùng đất phì nhiêu, trong đầu ông không có gì ngoại trừ những toan tính. Những toan tính nung nấu có thể đánh sập cả một nền văn minh được hình thành trên 1000 năm có tên La Mã thì….”Đại Tướng, ngài về lại Mông Cổ, ngài phải dự đại hội kurultai ngay để bầu một Khả Hãn mới, Quốc Vương Oa-Khoát-Đài đã băng hà!”- tiếng bẩm báo của người lính trẻ. Nghe xong từng câu chữ, vị đại tướng thở dài, nhìn vào bản đồ, vuốt nhẹ chòm lông sói đội trên đầu và rồi ông hạ lệnh “Tạm ngưng các kế hoạch chờ ta”. Ngay hôm sau, vị đại tướng cùng đoàn tuỳ tùng tức tốc chạy về lại thủ đô Karakorum. Lịch sử nhân loại có thể tước đi bản hùng ca lẫy lừng và bất tận của loài người ngay từ giây phút ấy. Rất nhiều nhà sử học về sau đã phân tích “Nếu Tốc Bất Đài (tên của vị đại tướng) không phải về lại thủ đô, có khi cả Châu Âu đã là thuộc địa của Mông Cổ”. Chừng ấy đủ nói lên sức mạnh của những đoàn quân Mông Cổ, những đoàn quân bất diệt trên lưng ngựa….

Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel

Xứ Cỏ Xanh ấy cũng như bao quốc gia trên đời, có lịch sử. Có những nơi, Lịch Sử là những ghi chép của việc chống lại các cuộc xâm lăng - nước mình. Ở những nơi khác, là những ghi chép oai hùng của việc dựng nước, đấu tranh tự do, đi tìm bình đẳng giữa người với người, của đại diện cho chủ nghĩa tư bản - nước Mỹ. Đối với Mông Cổ, lịch sử của họ có thể như ví như một trái bóng hơi, thổi lên rồi xì xuống nhanh chóng cả về diện tích…lẫn tầm ảnh hưởng.

Để mình kể cho nghe….

Lịch sử sơ khai xứ này có lẽ còn khá xa lạ với người Việt, ngoại trừ những gì được kể lại trong lịch sử của Trung Quốc. Trong sử sách tiếng Trung, những người Mông Cổ thuỷ tổ vốn dĩ là những “rợ phương Bắc”. Ngay cả trong tác phẩm nổi tiếng - Lịch Sử Thế Giới - của dịch giả nam kỳ Nguyễn Hiến Lê, ông cũng dùng cụm từ này để nói về những người Mông Cổ xa xưa. Xuất xứ, địa hình và lối sống khác biệt nhau hoàn toàn giữa người Trung Quốc và người Mông Cổ xưa khiến họ có cái nhìn thiên lệch về nhau một cách trầm trọng. Một bên nay đây mai đó, gọi trời là nhà, cỏ cây là bạn, một bên trồng lúa trổ hoa toạ cư một chổ, ngâm thơ, luận triết Khổng Lão thành ra bên này khi gặp bên kia cứ nhìn nhau như người ở trển rơi xuống hoặc như trong rừng mới ra nên gọi nhau thân thương là “rợ”.

Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel

Trong khoảng 12 thế kỷ đầu tiên từ khoảng năm 200 TCN tới thế kỷ thứ 10, lịch sử của Mông Cổ là lịch sử của sự đa hợp về chủng tộc. Về bản chất ban đầu, những người Mông Cổ xa xưa vốn…không phải là người Mông Cổ ngày nay. Vùng đất mà ngày nay người Mông Cổ tự trị từng là quê hương của rất nhiều các chủng tộc khác nhau di cư đến, lập ra đế chế, rong ruổi đánh trận rồi lại đi. Họ là những người Hung Nô, người Tiên Ti, Đột Quyết, Nhu Nhiên, Kazhak, Kirgyz… Tuy có thể khác nhau về sống mũi, màu mắt nhưng tất cả họ đều giống nhau ở lối sống du mục chăn thả nên tạm gọi họ là các bộ lạc Du Cư. Những bộ lạc Du Cư du mục sống thành từng cụm di chuyển trên những cánh đồng đầy cỏ của họ. Những tổ chức người Du Cư xa xưa ban đầu sống thành bộ lạc gồm nhiều gia đình đông con lắm cháu. Các bộ lạc này vẫn giao du qua lại trên các đồng cỏ, lúc hoà bình, khi binh biến, lúc hợp sức, khi tanh bành.

Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel

Sống riết một nơi cũng chán, vốn bản tính thích di dân, những bộ lạc Du Cư lâu lâu cũng di chuyển đàn ngựa họ xuống phía Nam, tổ chức những trận đánh với người hàng xóm Trung Quốc. Những cuộc diễu binh bên này bên kia cứ truyền kỳ dai dẳng. Đế quốc hùng mạnh đầu tiên ngự trị vùng Mông Cổ phải kể tới Hung Nô. Vua Hung Nô thời đầu khá oai hùng, tên ông là Mạc Đốn. Tên như vậy nhưng ông không đốn mạt tí nào, ngược lại đế chế do ông dựng nên trở thành nổi khiếp sợ của Trung Hoa, một đế chế quyết quyết nam chinh. Bên phía còn lại, người Hoa cũng đời này đời kia ngao ngán chống trả giặc Hung Nô. Khi Trung Quốc lần đầu thống nhất về một mối, Tần Vương Thuỷ Hoàng vì giặc Hung Nô mà hạ lệnh gãy gọn “Xây cho Trẫm cái tường chặn bọn chúng lại, Hung với chả Nô, quậy phá quá”. Bức tường ấy bây giờ vẫn còn, tên là Vạn Lý Trường Thành kéo dài tới hàng nghìn cây số ,trở thành kỳ quan nhân loại, mỗi năm vài triệu lượt người tới check-in.

Trường Thành trở thành khu vực địa lý quan trọng phân chia chiến tuyến giữa đế chế Hung Nô và nhà Tần, nhà Hán của Trung Quốc. Lần Lượt Tần, Hán đều có thuật lại về người Hung Nô trong các biên sử của mình. Tới đời nhà Hán, sử kể có khi Hung Nô quá mạnh, nhà Hán đôi lần phải đóng vai chư hầu nước bé, mỗi năm triều cống sản vật cho vua Hung. Chả biết cống gì nhưng có thể đoán chắc cống phẩm phải là lúa gạo, rau xanh, trà chè cũng nên vì “rợ phương Bắc” có …trồng được đâu. Việc ban giao, hôn ước hoà hoãn hay cống nạp hồng nhan cũng hay diễn ra. One of Tứ Đại Mỹ Nhân Trung Hoa tên Quân họ Chiêu (tên đủ là Vương Chiêu Quân) cũng được cử sang hầu hạ đoạ mình làm thiếp vua Hung. Chắc nhờ vậy nhan sắc phụ nữ vùng Trung Á, hậu duệ Hung Nô về sau thuộc hàng đẹp lạ trên đời. Đế Quốc Hung Nô có thể được nhớ tới nhiều nhất vì họ là nguyên nhân của bức tường Vạn Lý và lịch sử của đế quốc này đi kèm với nhà Tần, nhà Hán, những triều vương vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa.

Sau đời Hung Nô, lần lượt nhà Tiên Ti rồi Nhu Nhiên, Đột Quyết làm chủ xứ cỏ xanh. Lịch sử các nhà này cũng không có gì đặc sắc để mà kể, chỉ riêng nhà Nhu Nhiên đặt tước hiệu nước mình là Khả Hãn, danh từ mà về sau con cháu ai ai cũng phải nhắc, phải nghe.

Thoát cái hơn 1000 năm đã trôi qua, lịch sử xứ này có lẽ sẽ không sôi động hào hùng cho tới một ngày…

Borte là một cô bé người Kahzak thuộc bộ lạc Khongirad sinh ra ở vùng đồng cỏ Khetti, phía Đông của Mông Cổ ngày nay. Giống như bao cô gái du mục đồng trang lứa, Borte ở nhà từ nhỏ và phụ giúp mẹ làm những việc nội trợ gia đình. Trong đời sống người Du Mục, hàng ngày đàn ông và trẻ em là nam phải đi chăn thả, trong nom cho đàn gia súc của mình, còn những người phụ nữ ở nhà, công việc chính thuộc về may mặc, nấu nướng và lên men sửa để làm thức ăn dự trữ. Nhờ có họ, những mớ da cừu, da bò trở thành những chiếc áo choàng ấm áp, những mẻ sửa tươi cùa đàn gia súc trở thành những loại bánh sửa, cheese và rượu. Đàn ông ra đồng cỏ, đàn bà làm chủ nhà, tất thảy mọi việc trong gia đình từ sáng đến chiều muộn đều do một tay người phụ nữ đảm nhận. Cha của Borte là thủ lĩnh của bộ lạc. Ở thời kỳ này, việc hứa hôn thường xảy ra giữa con trai con gái những ông tộc trưởng với nhau khi đôi trẻ còn cắn móng tay lên 9 lên 10. Borte chắc chưa định hình được chuyện này nhưng cũng hiểu mơ hồ một ngày nào đó sẽ có một thằng bé trạc tuổi mình tới và xem mặt mũi mình tròn méo đỏ hồng thế nào.

Ảnh: Thành viên đoàn Migola Travel

Rồi cũng đến một ngày, cha cô ở nhà thay vì phi ngựa ra đồng cỏ. Ông ăn mặc trịnh trọng, khoác lên mình chiếc áo lông cừu mới khô mùi hanh, đội trên đầu chiếc mũ lông sói thể hiện quyền lực, rượu và thịt đầu cừu đã được chuẩn bị chu đáo. Chắc chắn ông đang đợi đón tiếp một vị khách hết sức đặc biệt. Tộc Trưởng Yesugei của bộ lạc Kiyad chính là vị khách hôm ấy. Ông cùng đoàn tuỳ tùng gồm 10 người được tiếp đón nồng hậu. Kiad và Khongirad vốn là hai đồng minh thân cận trên đồng cỏ. Khi này, những người đàn ông tay bắt mặt mừng, thể hiện lời chào hỏi qua màn đấu vật thị uy sức mạnh, rượu thịt được khai mào, trà dư tửu hậu xoay quanh những câu chuyện bàn tán về số lượng cừu dê ngựa mỗi bên anh có, về số lượng chó sói, đại bàng đôi bên đã săn được. Borte cũng tò mò về những vị khách lạ. Cô bé bỗng thấy một cậu bé đang sửa lại yên ngựa của mình, cậu khoác lên mình bộ đồ trắng cùng chiếc mũ lông sói, khuôn mặt toát lên vẻ tinh anh lạ thường. Bước được vài bước lại gần và chưa kịp nói thì cậu bé áo trắng ấy đã cất tiếng trước, đôi tay vẫn chỉnh cái yên ngựa, mắt vẫn không đoái hoài tới Borte.
- Cậu bao nhiêu tuổi?
- Mình 10 tuổi , còn cậu? Borte đối đáp.
- Thế cậu lớn hơn tôi một tuôi, cha tôi hôm nay dẫn tôi đi hỏi vợ, cha tôi bảo rằng một người đàn ông thực thụ là người phải chọn được vợ cho mình.
- Thế cậu tên gì? Borte gặng hỏi.
- TEMUJIN. Vừa nói cậu bé vừa ngước nhìn Borte trong ánh mắt của một cậu trẻ thơ nhưng đầy rẫy hào khí đàn ông .

Borte chỉ cười mỉm nhưng cô bé đã hiểu, cậu nhóc này chính là người đó, người mà về sau cô sẽ đóng vai như mẹ mình và gọi người này là phu quân.

Câu chuyện trên xảy ra vào thế kỷ thứ 11, thời điểm mà vùng đất cỏ xanh bị phân chia cát cứ thành nhiều bộ tộc khác nhau như thưở ban đầu. Vùng đồng cỏ đã mất đi tính thống nhất trong hàng nghìn năm trước của các đế quốc và dường như tất cả chỉ đang chờ đợi một vị thủ lĩnh vĩ đại hơn xuất hiện.

Cái tên Temujin, tiếng Hán phiên âm là Thiết Mộc Chân. Sử sách đời sau dù là tiếng gì thì khi dịch ra Tiếng Việt đều sẽ có câu “Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân”.

(Bài viết theo mạch cảm xúc của tác giả về  vùng đất mà anh đã đến và đi trên 10 lần)

Cao Hoài Vĩ

Mông Cổ Thuyết Minh Truyện - Phần 2

Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: Tour Khám Phá Thảo Nguyên Mông Cổ

Hotline tư vấn: 0366.55.66.77

Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

cuoi-ngua-ben-terkhiin

Thả hồn bên hồ Terkhiin – viên ngọc lạc giữa lòng Mông Cổ

Thủ đô Ulaanbaatar – Điểm đến tuyệt vời tại đất nước Mông Cổ

Thả hồn mênh mông giữa những vẻ đẹp của thảo nguyên Mông Cổ

Vẻ Đẹp Hấp Dẫn Của Du Lịch Oman

Văn Hóa và Lịch Sử Khi Du Lịch Bahrain

Khám Phá Hành Trình Liên Tuyến Oman Bahrain