Những điều thú vị về vùng đất cố đô – Kinh thành Huế

Ai đã từng một lần đến với Huế chắc hẳn sẽ không bao giờ quên không khí của vùng cố đô còn nguyên nét trầm mặc, cổ kính với những thành quách, cung điện và những lời ca ngọt ngào trên dòng sông Hương  thơ mộng, êm đềm. Chính những giá trị to lớn về lịch sử - văn hoá đã giúp cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới thu hút lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về triều đại xưa của Việt Nam. Nếu bạn vẫn chưa từng một lần đặt chân đến với cố đô thì hãy nhanh chân khám phá những điều đặc biệt thú vị ở vùng đất kinh kỳ này nhé.

1. Nơi lưu giữ di tích cung đình còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam

Việt Nam hiện nay rất nhiều nơi vẫn còn lưu giữ lại di tích của cung đình, đặc biệt là những vùng đất từng được chọn là kinh đô chẳng hạn như Hoa Lư (Ninh Bình), Cổ Loa, Thăng Long (Hà Nội)... nhưng cho đến nay kinh thành Huế có lẽ là nơi còn lưu giữ lại được hầu như nguyên vẹn dấu tích của cung đình. Từ những đền đài, lăng tẩm, đàn miếu, cung điện cho tới chùa chiền, nhà vườn... tất cả hầu như không có sự hư hại gì nhiều mà vẫn tồn tại hàng trăm năm cùng với vùng đất cố đô thanh bình, yên tĩnh.

2. Là một trong những công trình kiến trúc quân sự kiên cố và quy mô nhất nước ta

Kinh thành Huế được xây dựng năm 1805 - 1832, dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, toạ lạc ở phía Bắc sông Hương, mặt quay về hướng đông nam. Đây là công trình quân sự kiên cố nhất châu Á thời bấy giờ do chính tay vua Gia Long nghiên cứu và cho xây dựng, chính là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống của Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học Trung Hoa cùng với những đặc điểm mang ảnh hưởng của kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban thời bấy giờ. Công trình được xây dựng chủ yếu với mục đích phòng thủ từ xa là chính, với nhiều cửa ải ngăn cản sự tấn công của quân địch vào thành. Gồm 3 lớp thành kiên cố là Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành, các hệ thống hộ thành hà, hộ thành hào, hệ thống pháo đài, cửu vị thần công, kỳ đài, cửa bộ, cửa thuỷ.... được tính toán và xây dựng một cách kỹ lưỡng nhằm áp chế những đợt tấn công từ nhiều phía của quân giặc.
Ngọ Môn Cố Đô Huế
Ngọ Môn Cố Đô Huế
 

3. Nơi lưu giữ hệ thống lăng tẩm của vua chúa nhà Nguyễn

Cố đô Huế là nơi cho xây cất nhiều lăng tẩm của vua chúa nhất cả nước, tuy nhiên đến nay rất nhiều công trình đã bị tàn phá bởi nhiều nguyên nhân, hiện tại chỉ còn lăng của 7 vị vua triều Nguyễn là còn nguyên vẹn theo thứ tự là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Lăng tẩm của vua thường chia ra làm 2 khu vực là lăng - nơi chôn cất thi hài nhà vua và tẩm - nơi nhà vua khi sống thỉnh thoảng đến đây tiêu khiển  nơi đây thường xây dựng những miếu, điện, lầu, gác ... Mỗi lăng tẩm còn lại ở Huế bây giờ đều mang một nét đặc trưng riêng và tượng trưng cho khí phách và tính cách của những vị vua tương ứng. Chẳng hạn như lăng Tự Đức mang một phong cách rất thơ mộng, lãng mạn như chính con người vị vua tài hoa. thi sỹ nhưng mệnh bạc này, lăng Khải Định lại hết sức tinh xảo, hiện đại, lối kiến trúc có sự kết hợp 2 nền văn hoá Á - Âu ... Tuy mỗi lăng mang một màu sắc riêng hết sức đặc trưng nhưng chung quy lại cũng có một số điểm tương đồng đó là nguyên tắc phong thuỷ như sông, núi, ao, hồ... ở đây luôn có sự hài hoà về cảnh vật, thiên nhiên. Thêm vào đó trong tất cả lăng mộ đều có bia đá, hàng tượng văn võ, bá quan và binh lính, voi ngựa ngụ ý theo hầu vua về nơi chín suối, bố cục giống nhau nhưng mỗi thời kỳ lại có cách thiết kế và xây dựng khác nhau. Và đến ngày hôm nay, mỗi lăng tẩm không chỉ là di tích lịch sử văn hoá mà còn là một thắng cảnh, một công trình mang tính nghệ thuật độc đáo, riêng biệt tạo nên sự cuốn hút và sức hấp dẫn đặc trưng của xứ Huế.
Tham-lang-vua-Khai-Dinh-o-Hue_001
Lăng vua Khải Định uy nghi giữa núi đồi
 

4. Nơi lưu giữ hệ thống cổ vật quốc gia quý báu.

Bạn muốn tìm hiểu về cuộc sống của vương triều Nguyễn xưa kia, hãy tìm đến với bảo tàng cổ vật cung đình Huế - nơi lưu giữ những báu vật cổ của quốc gia và những hiện vật phản ánh chân thực về đời sống của hoàng thất. Bảo tàng toạ lạc ở số 3 đường Lê Trực, là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế vào năm 1923 với tên gọi đầu tiên là Musee' Khải Định. Và sau 5 lần đổi tên hiện nay bảo tàng này có tên gọi là Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Nơi đây có trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống của vua cùng gia đình hoàng thất và các quan lại, lính tráng.

5. Phục dựng thành công một số lễ hội cung đình đặc sắc

Là vùng đất cố đô nên ở Huế xưa kia có rất nhiều những lễ hội cung đình thường xuyên tổ chức. Hầu hết là những đại lễ của triều đình như lễ tế đàn Nam Giao, lễ tế Văn Miếu, lễ tế Xã Tắc, lễ tế Thái Miếu, lễ tế Thế Miếu, lễ Tịch Điền, lễ tế Kỳ Đạo, lễ khai trạo của thủy quân, lễ đăng quang, lễ mừng thọ tứ tuần, ngũ tuần của hoàng đế, hoàng hậu, và lễ Hưng quốc Khánh niệm (mồng 2 tháng 5 âm lịch)... tất cả đều được tổ chức rất quy cũ và chặt chẽ với những điều lệ khắt khe. Ngay nay, Huế hầu như vẫn còn giữ được những màu sắc văn hoá cung đình đó thông qua những buổi lễ phục dựng. Nếu có duyên đến đây trùng vào những ngày tổ chức phục dựng thì bạn sẽ được xem những màn tái hiện lại một cách quy mô, hoành tráng, do các nghệ sỹ chuyên nghiệp dàn dựng và tổ chức thực hiện, bạn sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống tinh thần của nhân dân ta dưới thời Vương triều Nguyễn và chắc chắn sẽ có những trải nghiệm thú vị.

6. Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Nhã nhạc là loại hình nghệ thuật âm nhạc độc đáo của nước ta dưới thời vương triều nhà Nguyễn và thường được dùng để biểu diễn trong các lễ hội trọng đại của Hoàng cung. Mang những giá trị thẩm mỹ và giá trị tinh thần to lớn, nhã nhạc cung đình Huế đã vinh hạnh được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào năm 2003. Ngày nay, nhã nhạc cung đình vẫn được trình diễn vào các dịp Festival Huế trên các sân khấu lớn nhằm bảo tồn và phát huy cũng như quảng bá với bạn bè thế giới về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đến với Huế và thưởng thức dòng nhạc cung đình này quả thật là một điều thú vị, bạn sẽ tận hưởng cảm giác giống như mình đang ở trong không khí của hoàng cung vừa uống trà, nghe nhạc, xem múa, chắc hẳn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm lý thú.
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại quảng trường Ngọ Môn (Huế).
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại quảng trường Ngọ Môn (Huế).
 

7. Lãng mạn ca Huế trên sông Hương

Cũng là một loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ có ở xứ Huế nhưng ca Huế có nét khác hơn so với Nhã nhạc cung đình. Vì là loại hình âm nhạc dân gian thường được trình diễn trên thuyền khi du ngoạn sông Hương khác với nhã nhạc cung đình - mang tính bác học hơn và chỉ được biểu diễn trong cung đình phục cho vua chúa, quan lại. Do đó ca Huế được trình diễn phổ biến hơn, dễ đi vào lòng du khách hơn, đến đây bạn sẽ được một đêm du ngoạn sông Hương trên những chiếc thuyền rồng dưới ánh trăng, ngắm nhìn cầu Trường Tiền nhiều sắc màu của ánh đèn nê-ông, và thưởng thức ca Huế từ những nghệ sỹ với giọng hát ngọt ngào, làm say đắm lòng người. Quả thật là một trải nghiệm hết sức thú vị mà bạn không nên bỏ qua. Đêm ca Huế trên sông Hương thường được bắt đầu từ 7h tối. Đò nghe ca Huế được thả trên sông đoạn từ Phu Văn Lâu đến cầu Tràng Tiền, đi ngang qua kinh thành Huế để du khách có dịp trải nghiệm những góc nhìn độc đáo về văn hóa lịch sử ở đất cố đô.
Ca Huế trên sông Hương
Ca Huế trên sông Hương

8. Ẩm thực cung đình Huế

Nhiều du khách đến với Huế đã bị mê mẩn bởi đặc trưng ẩm thực nơi đây. Ẩm thực Huế gồm hai hình thức là ẩm thực dân gianẩm thực cung đình nhưng thực ra ẩm thực cung đình là ẩm thực dân gian được nâng cao lên và sau đó chính ẩm thực cung đình lại ảnh hưởng trở lại và làm thay đổi chất lượng của ẩm thực dân gian. Tuy nhiên nhắc đến ẩm thực Huế thì ai cũng nghĩ ngay đến phong cách ẩm thực cung đình vì các món ăn được chế biến khi xưa chủ yếu để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ đóng đô ở đây. Điều đó thể hiện qua cách chế biến, cách trang trí món ăn, cách bày biện bàn ăn và kể cả cách ăn cũng biểu hiện sự công phu, tinh tuý, cầu kỳ, thanh tao. Ngày nay, hầu như nền ẩm thực Huế vẫn còn giữ được một phần hình ảnh trang nhã của ẩm thực cung đình. Từ những món nhẹ điểm tâm như Chè cung đình cho đến những món ăn mặn, món chính như Nem công, Chả phượng, Yến sào,...tất cả đều cho thấy được tinh hoa trong ẩm thực xứ Huế. Đến đây và trải nghiệm trở thành một vị quan triều đình thưởng thức bữa ăn cung đình với vua và hoàng hậu chắc hẳn sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho du khách những ai chưa từng đến với vùng đất cố đô yên bình này.
amthuccungdinhHue
Sự công phu, tỉ mỉ trong từng món ăn cung đình xứ Huế

Migola Travel

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

Khám phá những nhà thờ cổ nổi tiếng ở Việt Nam

Những điểm đến đẹp ở Bình Thuận

4 đảo hoang sơ lôi cuốn các tín đồ du lịch

Phòng nghỉ quyến rũ nhất hành tinh- Six Senses Ninh Vân Bay

Khám phá đảo tôm hùm Bình Ba.

Top 10 điểm đến hấp dẫn tại Đà Lạt