Iran – Vương quốc của di sản thế giới

Iran là một trong 10 nước đẹp nhất thế giới về cảnh quan thiên nhiên cùng với những di tích lịch sử thời Ba Tư cổ đại. Đất nước Iran ẩn chứa trong mình vô vàn những nét cổ kính của một trong những nền văn hóa lâu đời nhất thế giới với hơn 20 Công trình kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Lăng mộ Gonbad-e Qābus, Cung điện Golestan, Nhà thờ Hồi giáo Jameh của Isfahan, Quảng trường Naghsh-i Jahan, Vườn Ba Tư,…. khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn ghé thăm.

Dưới đây là chi tiết 1 số di sản tiêu biểu nhất ở Iran:

1. Pasargadae

Pasargadae là kinh đô của triều đại đầu tiên của Đế chế Achaemenid – được thành lập bởi Cyrus Đại Đế được tạo dựng nên vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên nằm ở vùng đồng bằng sông Polvar, thuộc trung tâm Pars, quê hương của người Ba Tư.

Đây chính là thủ đô của đế chế đa văn hóa lớn đầu tiên ở Tây Á và được coi là đế chế đầu tiên có sự đa dạng văn hóa của các dân tộc khác nhau.

Quần thể di tích tại Pasargadae rộng 160 ha bao gồm: Lăng Cyrus II; Tall Takht- E, sân thượng, cung điện và khu vườn.

Quần thể di tích tại Pasargadae

Nổi bật nhất trong quần thể Pasargadae là Lăng mộ Cyrus Đại Đế (hay hoàng đế này còn có danh hiệu khác là Cyrus II). Vua Cyrus Đại Đế là một vị anh hùng dân tộc, ông là Hoàng đế sáng lập ra Đế quốc Ba Tư hùng cường dưới triều nhà Achaemenes -  được mệnh danh là một vị "Vua của các vị vua" trong lịch sử Ba Tư.  Nhà vua đã tiến hành bành trướng đế quốc này, chinh phạt phần lớn vùng Tây Nam Á và phần lớn Trung Á, từ Ai Cập và biển Hellespont cho đến sông Ấn ở phía Đông, để rồi Đế quốc Ba Tư trở thành một đế quốc rộng lớn nhất trên thế giới cổ đại.

Lăng mộ của Cyrus Đại Đế có chiều cao 11 mét, mặt dáy 12x13 mét với kiến trúc được cho là có sự ảnh hưởng từ những ngôi mộ xứ Lydia. Lăng mộ có kết cấu như môt ngôi nhà với một mái nhà hơi nhọn. Vật liệu được dùng để xây dựng lăng mộ là đá sa thạch trắng. Lăng Mộ của Cyrus Đại Đế từng bị tàn phá, song Alexandros Đại Đế - vốn là vị thống soái tôn kính hoàng đế Cyrus Đại Đế đã cho khôi phục lại lăng tẩm này.

Lăng mộ của Cyrus Đại Đế

2. Persepolis

Persepolis - Thành phố “Thủ đô của Ba Tư” - là cố đô thuộc triều đại thứ hai của đế chế Ba Tư với những công trình kiến trúc từ thời Alexandros Đại đế. Cuộc sống từ những ngày đầu tiên gắn liền với nền văn hóa và phong tục tập quán đặc sắc của người Ba Tư được thể hiện chi tiết trên những bức phù điêu được chạm khắc tinh xảo, những bức tường điêu khắc sống động… phô diễn tài năng của người thợ thủ công Ba Tư cổ đại.

Thủ đô Persepolis lộng lẫy với các dinh thự, cung điện, sảnh đường nguy nga tráng lệ.

Một kiệt tác, biểu tượng linh hồn và tư tưởng Ba Tư nhưng ở tầm quốc tế về kiến trúc và nghệ thuật. Đó là cung điện Apadana - công trình xuất sắc của Persepolis được xây dựng vào năm 515 trước công nguyên và hoàn tất sau 30 năm, rồi 150 năm sau đó xây bổ sung và hoàn chỉnh có chiều dài hướng đông – tây 300m và nam – bắc 460m. Nghệ nhân từ khắp nơi đã xây dựng vào đó những cột đá trắng phong cách Hy Lạp, những đền đài mang dấu ấn La Mã, phù điêu đắp nổi trên đá phong cách Ba Tư, hòa trộn với màu sắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.

Persepolis cũng là biểu tượng cho sự giàu có của đế chế Ba Tư bởi nền kiến trúc to lớn, công trình xa hoa với vàng bạc và các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp.

Năm 320 trước Công nguyên, Alexandros Đại đế từ xứ Macedonia, sau khi chinh phục Hy Lạp đã đánh đến Ba Tư. Ông đến thành Persepolis, cho quân binh nghỉ lại hai tháng. Cho đến một ngày, dường như Alexandros Đại đế nhớ đến chuyện một thế kỷ rưỡi trước đó, hoàng đế Ba Tư Xerxes đánh sang Hy Lạp và thiêu trụi thành Athens. Rượu đổ ra và lửa bùng lên. Người ta tin rằng Alexandros Đại đế đã cố tình đốt thành Persepolis để trả thù cho thành Athens.

Việc khai quật khu di tích vào những năm 1930 cho thấy lửa đã bùng lên, thiêu đốt những cột đá trong cung Apadana, thiêu đốt một trăm cái cột cẩm thạch của Bách Trụ Cung, làm giầm kèo bằng sắt và chì bị nung chảy. Mái vòm cung điện cứ thế mà sập xuống.

Sau khi bị đốt, cung điện một trăm cột đá giờ chỉ còn lại những cái bệ cẩm thạch, bên những mảnh vỡ thân cột vốn cao ngất. Ở lối cổng Toàn xứ Môn (Gate of All Nations) vẫn còn ba cái cột đá cao gần 20 mét, trên đỉnh vốn là pho tượng những con vật đầu chim, mình sư tử. Gần đó là những con bò có đôi cánh thanh thoát đang bay lên,…

Dù cho thời gian và chiến tranh đã tàn phá hầu hết Persepolis nhưng những giá trị văn hóa và kiến trúc của Persepolis vẫn luôn tồn tại. Persepolis chính là minh chứng vĩ đại cho sự hưng thịnh của đế quốc Ba Tư cổ đại. Persepolis đã được UNESCO công nhận là  Di sản thế giới trong năm 1979.

Đến nay, di tích Persepolis là một trong những điểm đến ở Iran thu hút đông đúc khách du lịch. Hàng năm, tại Persepolis đều có tổ chức nghi lễ cúng tế thần linh và các lễ hội mang tính chất cộng đồng.

Persepolis chính là minh chứng vĩ đại cho sự hưng thịnh của đế quốc Ba Tư cổ đại

3. Thành phố lịch sử Yazd

Yazd là trung tâm quan trọng về kiến trúc Ba Tư. Do khí hậu của nó khiến Yazd là một trong những nơi có mạng lưới cung cấp nước Qanat rộng lớn nhất thế giới Để đối phó với tình trạng nóng vào mùa hè, nhiều tòa nhà ở Yazd có các tháp gió tuyệt đẹp cùng với những phòng ngầm lớn nên được mệnh danh là  “thành phố của những tháp gió”.

Thành phố cũng là nơi có ví dụ điển hình về các cấu trúc hình vòm Yakhchāl dùng để chứa đá lấy từ các sông băng ở vùng núi cao gần đó.  Khu dân cư này là bằng chứng sống cho sự sinh tồn trong điều kiện hạn chế và khắc nghiệt của sa mạc.

UNESCO tuyên bố rằng khu vực này là câu trả lời cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên hạn chế để tồn tại trên sa mạc.

Di sản Yazd chính là một trung tâm Hỏa giáo quan trọng. Tháp Silence ở ngoại ô của thành phố cùng với một ngọn tháp trong thành phố có ngọn lửa giữ cháy liên tục từ năm 470 đến nay.

Nằm trong thành phố Yazd - Nhà thờ Hồi giáo Jāmeh của Yazd được xây dựng vào thế kỷ 12 là một ví dụ tuyệt vời về bức tranh khảm mang kiến trúc Ba Tư vô cùng ấn tượng. Cột tháp Minaret của nhà thờ này là cột tháp cao nhất Iran.

Thành phố Yazd

4. Cung điện Golestan

Tổ hợp cung điện Golestan là di tích lịch sử lâu đời nhất tại Tehran, Iran – đất nước nghìn lẻ một đêm. Được xây dựng dưới triều đại Safavid (1502-1736), bao gồm 17 lâu đài, bảo tàng và tòa nhà cùng với nhiều bức tường tranh bùn tuyệt đẹp gắn liền với lịch sử của Tehran.

Cung điện Golestan hiện nay là kết quả của 400 năm xây dựng và nâng cấp. Là một trong những tòa nhà cổ nhất ở Tehran, đồng thời, đây cũng là nơi ở của hoàng gia Qajar và là di tích chứng kiến Tehran trở thành thủ đô của đất nước.

Golestan có thiết kế tinh xảo, cầu kỳ là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật thủ công truyền thống và kiến trúc Ba Tư cổ kính, huyền thoại cùng với sự thích ứng của công nghệ xây dựng những từ phương Tây. Ngày nay, cung điện là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ và kiến trúc sư Iran.

Tổ hợp cung điện Golestan bảo tồn được các công trình kiến trúc đặc trưng của thời đại Qajari, giữ lại tính xác thực trong thiết kế và bố cục, đặc biệt là nội thất và ngoại thất trang trí mặt tiền được giữ nguyên vẹn.

Hiện nay, du khách vẫn có thể đến chiêm ngưỡng tầng thượng của cung điện và ngai vàng vì còn giữ được nguyên gốc.

Tổ hợp cung điện Golestan là di tích lịch sử lâu đời nhất tại Tehran, Iran

Tầng thượng của cung điện, được gọi là Takht-e Marmar, xây dựng vào năm 1806 theo lệnh của vua Fath Ali Shah Qajar (1797-1834), được trang trí bởi những bức tranh, đá cẩm thạch chạm khắc tinh xảo, ngói, vữa, các tấm gương, gạch men, khắc gỗ và cửa sổ lưới theo phong cách kiến trúc Iran. Đây là một trong những hạng mục lâu đời nhất của cung điện. Lễ đăng quang của các vua Qajar, và nhiều nghi lễ chính thức đã được tổ chức trên tầng thượng này. Lễ đăng quang cuối cùng được tổ chức tại Takht-e-Marmar là lễ đăng quang của nhà vua tự xưng, Reza Khan Pahlavi vào năm 1925.

Ngai vàng nằm ở giữa tầng thượng, được làm bằng 65 miếng đá cẩm thạch màu vàng nổi tiếng của tỉnh Yazd, do Mirza Baba Naghash Bashi - họa sĩ hàng đầu của Qajar thiết kế. Mohammad Ebrahim, Royal Mason giám sát việc xây dựng và một số bậc thầy nổi tiếng thời đó cũng tham gia để hoàn thành kiệt tác này.

Tổ chức Di sản văn hóa của Iran đã đệ trình UNESCO công nhận Golestan là Di sản Thế giới vào năm 2007. Đến ngày 23 tháng 6 năm 2013, Golestan mới chính thức được công bố là Di sản Thế giới trong kỳ họp của UNESCO tại Phnom Penh, Campuchia.

Migola Travel Sưu tầm & Tổng hợp

Bạn muốn khám phá những di sản của xứ sở Ba Tư bí ẩn này?

Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết tại đây: Tour Con Đường Tơ Lụa – Huyền Thoại Ba Tư

Hotline tư vấn: 0366 55 66 77

Trụ sở chính Migola Travel: 1A Công Trường Mê Linh, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Cùng Nhau Bình Luận

Tin liên quan

Những điểm đến lý tưởng ở xứ sở Ba Tư huyền ảo – Iran

Du lịch Iran hút khách trong những năm trở lại đây

Tìm hiểu thêm về nền văn minh của thủ đô Tehran – Iran

Quảng Trường Nasqh – e Jahan

Isfahan – cái nôi của lịch sử Trung Đông

Chinh phục đỉnh núi Jungfraujoch – Trải nghiệm không thể bỏ qua khi du lịch Thụy Sĩ